Vì sao ai cũng cần bác sĩ gia đình?

Table of Contents

Who Is Your Doctor?

June 2, 2020

Tại Canada và cả Mỹ, khi vào bệnh viện, thì câu mà y tá trực sẽ hỏi các bạn là: “Who is your doctor?”

– khi chụp hình X-ray; thử máu; làm bất kỳ xét nghiệm gì thì người ta cũng hỏi cùng câu đó

– khi đi gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng; thần kinh; tiêu hoá… cô thư ký cũng sẽ hỏi câu trên

– khi ra tiệm mua thuốc theo toa, dược sĩ cũng sẽ hỏi nguyễn y vân. À, mà Y Vân không phải là tên bác sĩ gia đình của bạn đâu nhé. Cái tên Việt đó dịch ra tiếng Anh là Who Is Your Doctor?

Nếu bạn đang ở Canada rồi, thì tôi xin hỏi lại bạn câu này: “Who Is Your Doctor?” .

Nếu không thể trả lời được tức là kiến thức căn bản của bạn bị thiếu sót trầm trọng mà trong thời điểm này hơi bị nguy đó.Trong dịch cúm trung cộng Covid 19 hiện thời, câu đầu tiên mà Sở Y Tế và bệnh viện nói là: “Consult your health care provider first” . Vậy người ấy là ai bạn đã từng gặp chưa?

Bác sĩ gia đình – Family Doctor là một người không thể thiếu được trong đời sống của mỗi người dân Canada. Họ không chỉ là thầy thuốc chữa bệnh mà còn là đơn vị y tế căn bản nhất của hệ thống y tế quốc gia. Khi một em bé ra chào đời, chỉ 2 tuần lễ sau là cha mẹ sẽ mang em bé tới ghi danh với bác sĩ để theo dõi cân đo, chích thuốc chủng ngừa các loại. Tới khi em bé lớn lên, mỗi lần đau ốm thì cũng đều đến bác sĩ này. Từ lời khai bệnh nhân; chẩn đoán; đơn thuốc của bác sĩ; từ tấm phim X-Ray cho tới bất kỳ xét nghiệm y khoa nào cũng đều nằm trong hồ sơ của mỗi bệnh nhân, lưu trữ tại văn phòng bác sĩ gia đình. Đó là lý do tại sao mà người ta luôn hỏi những câu trên trong phần đầu bài viết này. Khi phòng xét nghiệm, nhà thương, bác sĩ chuyên khoa, tiệm thuốc tây… liên hệ với bệnh nhân là họ lưu trữ dữ liệu vào hồ sơ gốc của bác sĩ gia đình. Những dữ liệu này là tối ư quan trọng để dịch vụ y tế hoạt động hiệu quả. Khi một người di chuyển chỗ ở, thì việc đầu tiên họ làm sẽ là tìm một bác sĩ gia đình mới và chuyển hồ sơ của mình về theo.

Tư duy y tế ở Việt Nam là tư duy ngắn hạn và nhất thời. Điều này thể hiện ở mỗi người dân và cả hệ thống y tế. Khi có bệnh, người dân tìm tới bất kỳ bác sĩ nào để chữa và chuyện thay đổi bác sĩ là bình thường. Các bác sĩ tư hiện thời có thói quen lưu trữ hồ sơ bệnh nhân chưa? Có thói quen chuyển giao hồ sơ cho nhau chưa?. Khi bệnh nhân cần vào nhà thương chữa trị, chưa chắc các bác sĩ đã có sẵn trong tay một hồ sơ trọn vẹn, nhà thương lại phải lập lại nguyên một hồ sơ mới nếu như tuyến dưới không chuyển lên. Chỉ có những bệnh nhân được chữa trị thường xuyên và lâu dài thì nhà thương mới lưu trữ hồ sơ cho họ. Nói chung thì việc lưu trũ và nghiên cứu tiền sử y tế của mỗi bệnh nhân chưa được quan tâm đúng mức và không có sự phối hợp đồng bộ trên toàn xã hội.

Còn Canada thì mỗi bệnh nhân đều được thiết lập hồ sơ y tế ngay từ khi mới lọt lòng. Người đó có bệnh gì, dị ứng với các loại thuốc gì, đã chữa trị ra sao, kết quả thế nào đều nằm trong hồ sơ của bác sĩ gia đình. Khi phải vào nhà thương thì điều đầu tiên bệnh nhân làm là ký giấy uỷ quyền cho phép nhà thương xem hồ sơ gốc của họ. Nhờ đó các bác sĩ có thể nghiên cứu, tìm ra phương pháp chẩn đoán và chữa trị hợp lý nhất. Tất cả các liệu pháp của nhà thương, lại được ghi vào dữ liệu hồ sơ của bác sĩ gia đình cho tương lai sau này sử dụng. Việc chia sẻ thông tin của bệnh nhân được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống y tế chung và riêng lẻ giữa từng bác sĩ, từng nhà thuốc tây, phòng xét nghiệm. Các bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa và bệnh viện đều có thể tiếp cận hồ sơ y tế của bệnh nhân khi cần. Vì vậy, việc chẩn đoán và chữa trị sẽ thuận lợi và chính xác hơn rất nhiều so với Viêt Nam.

Trách nhiệm của một bác sĩ gia đình Canada rất lớn. Họ không chỉ khám, trị bệnh cho bệnh nhân khi họ tới phòng khám mà còn phải theo dõi chăm sóc sức khoẻ lâu dài. Khi bệnh nhân có triệu chứng mãn tính như cao máu, tiểu đường, đau bao tử…., bác sĩ sẽ gởi người bệnh đi làm một loạt xét nghiệm thử nước tiểu, thử máu, X-Ray… Các phòng thí nghiệm sẽ gởi số liệu đo đạc sang cho một bác sĩ chuyên khoa đọc và phê vào báo cáo, rồi gởi báo cáo trở về cho bác sĩ gia đình. Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ đọc rồi gọi điện thoại kêu bệnh nhân tái khám và giải thích bệnh trạng cho bệnh nhân được rõ. Sau đó, bác sĩ gia đình phải gởi giấy giới thiệu bệnh nhân tới các bác sĩ chuyên khoa tiểu đường; cao máu; bao tử… để họ chăm sóc bệnh nhân trong một thời gian dài.

Song song bác sĩ gia đình là các bác sĩ chuyên khoa (Specialist). Họ là chuyên viên trong một lĩnh vực y khoa nhất định ví dụ như thần kinh; tim mạch; đường ruột; nội tiết; da liễu; nhi khoa; sản khoa…. Những bác sĩ này đều có phòng mạch riêng và họ cũng làm việc tại nhà thương nữa. Rất nhiều người họ không nhận bệnh nhân trực tiếp mà chỉ nhận bệnh nhân qua giới thiệu của bác sĩ gia đình. Các bác sĩ chuyên khoa thường rất bận rộn, mỗi lần xin hẹn chờ đợi cả vài tháng là chuyện bình thường. Sau đây là ví dụ cụ thể cho bạn thấy cách làm việc của bác sĩ chuyên khoa:

Khi Một cô gái Canada khi bắt đầu mang thai sẽ được bác sĩ gia đình giới thiệu tới bác sĩ sản khoa. Từ đó, bà này sẽ khám và theo dõi sức khoẻ cho cô gái đó trong suốt thai kỳ. Bà sẽ liên tục gởi cô đi xét nghiệm XRay, Ultra Sound, thử nước nhau, thử máu … Cô gái cứ vài tuần lễ là lại phải gặp bác sĩ để khám thai. Ngày cô gái sinh nở thì cũng chính tay bác sĩ sản khoa này đỡ đẻ. Văn phòng của bà đã làm hẹn với nhà thương để chuẩn bị phòng sinh từ trước. Ở đó, đã có ê-kíp y tá với đầy đủ dụng cụ trực sẵn theo lịch. Tới ngày sinh , cô gái chỉ việc tới thẳng nhà thương và gặp lại bác sĩ sản khoa ở đây. Khi cô gái sinh xong, bác sĩ tiếp tục theo dõi sức khoẻ tới ngày cô xuất viện. Về nhà, bác sĩ gia đình sẽ giới thiệu hai mẹ con tới một bác sĩ nhi khoa để chăm sóc em bé tới khi nó đủ tuổi để về lại với bác sĩ gia đình.

Ngoài việc trị liệu, bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa đóng vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng thuốc và dược phẩm. Nếu không có toa của họ thì bạn không thể mua các loại thuốc trụ sinh, thuốc đặc trị được vì người ta sẽ không bán cho bạn. Ở siêu thị, các pharmacy khách hàng chỉ có thể mua các loại thuốc cảm cúm, đau nhức… thông thường gọi là “over the counter drug” (thuốc trên quầy). Thuốc và dược phẩm được chính phủ quản lý rất chặt chẽ. Các dược sĩ không thể tự ý bán thuốc ra thị trường mà không có toa bác sĩ. Tư nhân không được tự ý mở tiệm thuốc mà phải có dược sĩ đứng tên và các vị này phải chịu trách nhiệm trước các món thuốc mà họ bán ra cho khách hàng.

Ngoài việc chữa bệnh ra, bác sĩ còn có thể làm rất nhiều việc quan trọng khác như chứng bệnh, chứng thương. Nếu một học sinh/sinh viên, một công nhân nghỉ bệnh quá 2 ngày thì phải trình toa bác sĩ. Khi một công nhân bị tai nạn lao động, cần nghỉ dài hạn thì chỉ cần bác sĩ viết lá thư tay chứng nhận và ghi rõ số ngày cần nghỉ là được, chủ hãng sẽ không đòi hỏi gì thêm. Khi một người bị tai nạn xe cộ, bác sĩ cũng là người chứng nhận mức độ thương tật và thiệt hại của nạn nhân trong hồ sơ bảo hiểm. Bác sĩ còn có thể công chứng, thị thực giấy tờ bình thường nữa. Ví dụ, chứng thực những bản sao khai sinh; bằng cấp hay chứng nhận thân phận…. bác sĩ gia đình đều có thể làm được và pháp luật công nhận điều đó. Ngạc nhiên không?

Trên đây, chỉ là một vài điểm đáng lưu tâm về tầm quan trọng của bác sĩ tại Canada. Ngoài ra, sẽ còn rất nhiều điều nữa ngoài sự hiểu biết của tôi. Khi sang du học hay định cư tại Canada này, các bạn cần có một bác sĩ gia đình.

Trong dịch cúm Covid 19 hiện thời, câu đầu tiên người ta hay nói là : “Consult your health care provider first” – Hãy liên hệ với bác sĩ gia đình trước đã. Nếu bạn tình nghi bị cúm, mà hiện không có bác sĩ gia đình thì ai sẽ trị liệu cho bạn đây? Các bạn sẽ phone cho ai? Giờ này, đâu phải có tiền tới văn phòng bác sĩ là họ sẽ nhận. Nghĩ theo lối Việt Nam như vậy sẽ lầm chết luôn. Đa phần các bác sĩ gia đình đều làm việc theo hẹn và người ta chỉ nhận những bệnh nhân đã đăng ký hồ sơ ở đó rồi. Bạn trả tiền một lần khám xong rồi về. Bác sĩ biết bạn là ai ? Tiền sử bệnh tật thế nào ? Ai sẽ coi những xét nghiệm y khoa cho bạn? Bác sĩ biết bạn ở đâu để follow-up? Làm sao liên lạc với bạn để theo dõi bệnh trạng? Bác sĩ còn bao nhiêu bệnh nhân phải lo thì có thời gian nào để lo cho một người drop-in rồi biến mất? Hãy suy nghĩ logic đi nhé. Có rất nhiều vấn đề quan trọng về y tế mà các bạn sẽ không nhận thức hết được nếu như vẫn giữ lối tư duy ngắn hạn.

Đặt chân tới đất nước Canada, ngay trong tuần lễ đầu tiên, hãy đi tìm cho được và đăng ký mở hồ sơ tại một văn phòng bác sĩ gia đình. Các bạn cần được khám tổng quát, chụp hình, thử nghiệm và lưu trữ hồ sơ gốc. Có bao nhiêu mũi thuốc chính rất quan trọng như chích ngừa uốn ván; chích ngừa bệnh gan; bệnh giời leo… các bạn có từng nghĩ tới chưa và biết bao lâu phải chích một lần không? Nếu không có bác sĩ gia đình thì ai sẽ chích những mũi thuốc này cho các bạn? Các em, các cháu gái có biết mình cần các loại khám định kỳ nào không?

Mỗi em đi du học, đều phải đóng 1 khoản tiền chừng $1,000/năm gọi là bảo hiểm y tế (Health Insurance). Đó không phải là bảo hiểm bồi thường như tai nạn đâu nhé. Đó là tiền trả trước về dịch vụ y tế cho các em. Hãy đọc cho kỹ policy của bảo hiểm và sử dụng nó hợp lý.

Người Việt có câu “Sức khoẻ là vàng”. Thực ra nó quý còn hơn vàng nhiều. Đừng để như kiểu Việt Nam, đụng tới toàn là thời kỳ cuối thì tiêu tán thoòng. Hãy cầm cái phone và hỏi Google Map hay Siri : “Doctor office near me”. Nó sẽ list những văn phòng bác sĩ gia đình gần nhà. Theo danh sách này mà gọi. Còn nếu như muốn bác sĩ gốc Việt Nam thì hãy tìm tờ Thời Báo tiếng Việt, mở mục quảng cáo ra xem rồi gọi.

Now, the next question is: Who is your dentist? I guess, You know what to do this time.

Stay safe, take care.

Chúc các bạn và các em may mắn.

Bao Nguyen – Du học Canada, Toronto

Nhận báo giá bảo hiểm tại đây