Tài khoản Tiết kiệm Hưu trí RRSP – Phần 2: Cơ cấu hoạt động

Table of Contents

Tiếp theo phần 1 giới thiệu về RRSP & những lợi ích về thuế của RRSP, phần này mình sẽ tiếp tục đi sâu hơn về cơ cấu hoạt động của RRSP bao gồm hình thức đóng tiền, rút tiền và các câu hỏi khác xung quanh tài khoản này.

3. ĐÓNG TIỀN VÀO TÀI KHOẢN RRSP

A. HẠN MỨC (ROOM)

Do RRSP có ưu thế nhất định về thuế, nên mỗi người chỉ được hạn mức đóng tối đa là 18% thu nhập năm trước đó. Tuy nhiên, để hạn chế việc những người thu nhập cao “lợi dụng” tránh thuế, hạn mức này còn được giới hạn con số cao nhất theo từng năm. Ví dụ, hạn mức năm 2022 là $29,210. Hay nói 1 cách dễ hiểu, nếu 18% thu nhập năm ngoái của bạn cao hơn $29,210, thì mức tối đa bạn có thể đóng vào RRSP chỉ là $29,210.

Tuy nhiên cụ thể Hạn mức cho từng năm khai thuế vẫn sẽ có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức 18% thu nhập năm ngoái của bạn. Do trong phần công thức để tính hạn mức RRSP năm hiện tại sẽ có thể còn phụ thuộc vào việc liệu bạn có dư room của năm trước đó hay không, chủ lao động (employer) của bạn có đóng RRSP cho bạn (một dạng phúc lợi) hay không,v.v… Do khoản này khá chuyên sâu về mặt kế toán nên mình sẽ không nói chi tiết tại đây. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm tra room đóng cho năm 2023 trên tờ khai thuế NOA năm (tax year) 2022.

B. THỜI GIAN ĐƯỢC ĐÓNG TIỀN VÀO RRSP

Bạn có thể đóng vào RRSP từ khi bạn bắt đầu có số SIN (tức có thể từ lúc nhỏ) tới khi bạn đủ 71 tuổi. Nếu bạn đóng vào tài khoản RRSP của vợ/chồng bạn thì bạn có thể đóng tới khi vợ/chồng bạn 71 tuổi.

C. HẠN CHÓT ĐÓNG VÀO RRSP MỖI NĂM

Thường hạn chót đóng RRSP không phải là cuối năm dương lịch, mà sẽ rơi vào ngày đầu tiên của tháng ba hoặc ngày cuối tháng 2. Ví dụ hạn chót để đóng vào RRSP để khai thuế phần RRSP bạn đã đóng cho năm 2023 sẽ rơi vào ngày 29 tháng 2, 2024. Tức là nếu bạn khai thuế vào tháng 3/2024, thì phần tiền bạn đóng vào RRSP từ tháng 1-tháng 2 năm 2024 vẫn được cộng vào phần đóng của RRSP năm 2023. Để biết hạn chót đóng cho năm hiện tại bạn chỉ cần search google “Deadline for RRSP contribution this year” là ra.

4. DI CHUYỂN TIỀN GIỮA TÀI KHOẢN RRSP VÀ CÁC TÀI KHOẢN KHÁC

Bạn có thể chuyển tiền từ các tài khoản đăng ký (registered) khác vào tài khoản RRSP mà vẫn được hưởng lợi “hoãn thuế” từ các tài khoản đó. Cụ thể một số loại tài khoản mà bạn có thể chuyển qua RRSP là registered pension plan (RPP), registered retirement income fund (RRIF), specified pension plan (SPP), deferred profit sharing plan (DPSP), pooled registered pension plan (PRPP), hoặc first home savings account (FHSA). Trong số đó thì có thể loại các bạn đang quan tâm nhất là FHSA, nên mình sẽ note thêm rằng: Số tiền mà bạn chuyển trực tiếp từ tài khoản FHSA qua RRSP sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng tới hạn mức (contribution room) của tài khoản RRSP nhé.

5. RÚT TIỀN TỪ RRSP TRƯỚC NGHỈ HƯU

Phần tiền bạn rút ra từ tài khoản RRSP trước khi nghỉ hưu sẽ được tính vào thu nhập năm bạn rút ra. Đồng thời bạn sẽ bị TẠM giữ lại khoảng 10-30% tổng tiền bạn rút ra (gọi là withhold tax) tùy theo tỉnh bang bạn sống & số tiền mà bạn rút ra. Đây gọi là “withhold” vì phần tiền này có thể được trả lại (hoặc không) tùy theo nghĩa vụ đóng thuế của bạn sau khi bạn khai thuế. Ngoài ra, phần lợi nhuận phát sinh từ tài khoản này sẽ bị tính thuế tùy theo loại hình lợi nhuận mà bạn nhận được. Tuy nhiên, với những tài khoản dạng locked-in thì bạn sẽ không được phép rút ra trước khi nghỉ hưu. Vậy nên khi mở tài khoản RRSP bạn nên hỏi rõ nơi bạn mở là tài khoản của bạn có phải dạng lock-in hay không. Bên cạnh đó, một số tài khoản RRSP ở bank cũng có thể charge một phần phí khi bạn rút tiền khỏi RRSP.

6. SỬ DỤNG TIỀN RRSP SAU KHI NGHỈ HƯU

Khi đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi), bạn có thể chọn những phương án sau để sử dụng tài khoản RRSP như một phần thu nhập khi bạn về hưu:

a. Chuyển trực tiếp toàn bộ tài khoản RRSP sang Quỹ thu nhập Hưu trí RRIF (registered retirement income fund)

Sau khi chuyển tiền qua Quỹ RRIF, bạn sẽ được nhận một phần tiền tối thiểu vào mỗi năm từ Quỹ này của bạn. Mức tối thiểu này sẽ được tính theo một công thức dựa trên tổng giá trị của tài khoản RRIF và độ tuổi của bạn. Như đã nói ở bài trước, phần thu nhập này sẽ được tính vào thu nhập đóng thuế tại thời điểm bạn nhận tiền.

b. Dùng tiền trong RRSP để mua Niên Kim (annuity)

Có lẽ đa phần người Việt mình không biết khái niệm Niên kim này. Có thể nói 1 cách đơn giản tí xíu thì Niên Kim là một dạng bảo hiểm tài chính. Gói bảo hiểm này sẽ đảm bảo cung cấp cho bạn một nguồn thu nhập cố định trong một khoảng thời gian nào đó. Ví dụ: Bạn có thể dùng $200,000 mua một Niên Kim; Niên Kim này cam kết sẽ trả cho bạn $950/tháng cho tới khi bạn qua đời. Lợi và hại của lựa chọn này mình sẽ không lạm bàn ở đây để tránh bài viết quá dài.

c. Rút toàn bộ tiền khỏi RRSP

Đây không phải là lựa chọn tối ưu nếu bạn không có kế hoạch sử dụng toàn bộ số tiền này hợp lý. Vì việc rút hết 1 lần số tiền dành dụm cả đời có thể sẽ khiến thu nhập đóng thuế của bạn vào năm bạn rút ra cao chót vót. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là lựa chọn tốt nếu bạn có một kế hoạch tài chính cụ thể cần dung ngay toàn bộ số tiền này.

 

7. CÁC CÂU HỎI KHÁC THƯỜNG GẶP

👉 Nếu lỡ đóng quá hạn mức RRSP thì có sao không?

Nếu bạn lỡ đóng lố dưới $2,000 thì không ảnh hưởng gì, phần room của bạn trong năm tiếp theo sẽ bị trừ bớt đi. Nhưng nếu phần lố trên $2,000, thì bạn sẽ phải đóng thuế 1% trên phần đóng thuế này. Nếu bạn rút ra phần dư trong vòng 1 tháng kể từ ngày bạn đóng phần dư này vào thì cũng sẽ không bị tính thuế.

👉 RRSP sẽ ra sao nếu tôi mất trước khi RRSP đáo hạn (tức trước 71 tuổi)?

Nếu tài khoản RRSP hoặc di chúc của bạn chỉ định cụ thể người thừa hưởng là spouse/ common law partner, thì số tiền này có thể được chuyển trực tiếp vào tài khoản RRSP hoặc tài khoản RRIF của spouse/partner. Đồng thời, số tiền này sẽ được trừ vào room RRSP của người đó (nếu đóng vào RRSP) và cả 2 trường hợp đều được giảm trừ vào khoản thu nhập đóng thuế của người đó.

Nếu bạn không chỉ định spouse/partner trong tài khoản RRSP hoặc di chúc, thì tất cả những trường hợp khác (bao gồm cả con cái là người thừa hưởng) thì phần RRSP được rút ra đều sẽ được tính vào thu nhập của chính bạn trong năm bạn mất. Giả sử như là bạn đã rút ra toàn bộ RRSP trong năm đó.

👉 Tận dụng RRSP thế nào qua Home Buyers’ Plan (HBP) và Lifelong Learning Plan (LLP)?

Mình sẽ không đi sâu quá vào plan này. Nhưng tóm gọn lại, thì HBP là dành cho những người mua nhà lần đầu, và LLP là dành cho việc học full-time. Với HBP, bạn có thể mượn tối đa $35,000 từ tài khoản RRSP, và phải trả lại số tiền này ngược vào RRSP trong vòng 15 năm sau đó. Còn với LLP, bạn có thể mượn từ RRSP tối đa $10,000/năm trong vòng tối đa 4 năm; nhưng tổng tiền tối đa bạn có thể mượn ra trong 4 năm này là $20,000. Số tiền mượn cho LLP phải được trả trong vòng 10 năm. Vì mang danh nghĩa là “mượn” nên phần bạn mượn ra sẽ không tính vào thu nhập đóng thuế, cũng không ảnh hưởng tới room của RRSP.

Mình xin kết thúc series về RRSP tại đây. Nếu các bạn có câu hỏi gì thắc mắc thêm về tài khoản RRSP này có thể nhắn mình nhé. Mình sẽ vui lòng trả lời trong giới hạn hiểu biết của mình.

Sarah Do,

Life, Health & Travel Insurance Advisor.

Disclaimer: Bài viết chỉ nhằm cung cấp thông tin cho những mục đích cơ bản, và nêu lên một vài quan điểm cá nhân. Đây không phải là lời khuyên về tài chính, đầu tư, thuế, kế toán hay bất kỳ quy định pháp luật nào. Cá nhân có nhu cầu tư vấn về các vấn đề trên vui lòng tìm kiếm chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp.

Nhận báo giá bảo hiểm tại đây