PHÚC LỢI CỦA CÔNG TY (EMPLOYER BENEFITS) – Những điều cần biết

Table of Contents

Lại ngẫu hứng hôm nay mình ngồi review lại các benefit và bảo hiểm của công ty anh chồng mình để xem còn gì chưa xài thì xài cho hết. Vậy nên mình tiện thể viết một bài chi tiết những điểm quan trọng cần biết về bảo hiểm & phúc lợi của employer. Rất nhiều bạn đi làm công ty được hưởng benefits nhưng chưa hiểu hết và tận dụng hết được các gói benefits này, nên mình nghĩ rất cần thiết để viết 1 bài chi tiết về chủ đề này.

1. Phúc lợi của các công ty thường có gì?

Bên cạnh lương và thưởng, điều mà rất nhiều người đi làm hãng (công ty) quan tâm đó là phúc lợi. Các phúc lợi này có thể bao gồm những khoản thông dụng sau đây

  • Bảo hiểm sức khỏe
  • Tiết kiệm nghỉ hưu (Retirement Saving Plans)
  • Ngày nghỉ có lương (Paid Time Off)

Thông thường những phúc lợi này có deal được không? Đoạn này mình ngẫu hứng viết ngoài lề tí xíu. Có thể có một số bạn nghĩ rằng những phúc lợi này của công ty nó là chính sách rồi, sẽ không deal được. Nhưng trên thực tế, nếu bạn là talent – ở vị thế có quyền “vênh mặt” lên deal thì vẫn có thể deal được. Đây là kinh nghiệm từ anh chồng mình. Cụ thể những cái mà ảnh từng deal được có thể kể đến là:

– Yêu cầu bảo hiểm sức khỏe lập tức có hiệu lực từ ngày ký hợp đồng lao động. Thông thường, tùy vào công ty mà bảo hiểm sức khỏe có thể bắt đầu có hiệu lực sau khi qua thời gian thử việc (probation time) hoặc sau 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng chính thức. Nếu các bạn không deal thì mặc định sẽ theo quy định của công ty. Như vậy khi bạn chuyển việc sẽ bị mất phúc lợi BH sức khỏe trong khoảng thời gian gap này.

– Yêu cầu ngày nghỉ có lương được tính full year hoặc probate (tính tỷ lệ) từ thời gian ký hợp đồng thay vì tính bắt đầu sau thời gian probate. Phần lớn các công ty sẽ probate số ngày nghỉ có lương theo thời gian bạn bắt đầu làm việc. Ví dụ 1 năm bạn có 12 ngày nghỉ trả lương, bạn bắt đầu làm từ tháng 9, thì năm đó bạn sẽ chỉ được 3 ngày nghỉ có lương thôi.

Thôi đoạn deal này nói ngắn thôi kẻo lạc đề trôi xa quá.

2. Hiểu chi tiết về các phúc lợi liên quan tới sức khỏe.

2.1. Bảo hiểm sức khỏe

Trước tiên, mình sẽ nói sơ những khái niệm căn bản nhất mà ai cũng cần hiểu:

  • Deductible: Đây là phần tiền bạn sẽ bỏ từ túi mình ra trước khi bên công ty bảo hiểm trả. Thông thường khoản deductible này được tính trên 1 năm. Tuy nhiên nó có thể áp dụng trên mỗi người hoặc toàn bộ gia đình.

Ví dụ, tiền deductible trong gói bảo hiểm của bạn với khoản thuốc kê đơn (prescription drugs) là $100/người/năm; và công ty trả 80% phí. Trong năm đó, gia đình bạn trả $500 cho thuốc của ba, $200 cho thuốc của con. Thì bạn sẽ bỏ túi trả $100+ 20% của $400 cho ba -> tổng là $180. Tương tự của con bạn sẽ bỏ tiền túi ra là $120.

  • Reimbursement levels: đây là mức tỷ lệ phần trăm mà phía công ty sẽ trả sau khi đã trừ mức deductible. Mức này thường dao động từ 80% tới 100%. Như mình đã ví dụ ở trên về tỷ lệ 80%, các bạn có thể xem lại. Thông thường những công ty có mức reimbursement level cao thì sẽ có mức deductible thấp (hoặc không có deductible) và ngược lại.

2.2. Bảo hiểm sức khỏe của công ty thường cover những gì?

Những cái căn bản nhất các bạn thường sẽ được cover là:

  • Chi phí nằm viện: Thông thường BH tỉnh bang sẽ chỉ cover cho phòng tiêu chuẩn (standard ward), tức phòng nằm 4-6 giường. Trong khi nếu có BH của công ty, bạn có thể được chọn phòng semi-private (2 giường/phòng) hoặc private (1 mình 1 cõi).
  • Xe cấp cứu (Ambulance): do thông thường BH tỉnh bang sẽ không cover cho ambulance, nên BH công ty thường sẽ cover 100%. Kể chuyện vui, mình nhớ có lần anh nhà mình nhậu xỉn quá mình không lôi ảnh lên xe nổi, mình đành gọi ambulance tới vác đi, cho ảnh nằm ở bệnh viện 1 đêm. Bảo hiểm công ty trả hết =)) Bạn đừng nghĩ là việc này không cần thiết nhé. Khi mình gọi ambulance tới, họ khuyên là với những người đang bị alcohol intoxication (bị say rượu nặng) mà bạn không đủ sức để xử lý sẽ có thể nguy hiểm, nếu người đó bị ói khi đang nằm có thể dẫn tới bị nghẹn và gây tử vong. Chết! Lại lạc đề rồi.
  • Chi phí y tá (nursing)
  • Khám chữa răng (dental)
  • Khám chữa mắt (vision): thường sẽ cover cả kính cận
  • Dịch vụ y tế (paramedical): chẳng hạn như trị liệu vật lý (Physiotherapist), speech therapist (trị liệu ngôn ngữ), Podiatrist/Chiropodist (trị liệu về chân), massage therapist, Acupuncturist (châm cứu), Nutritionist (dinh dưỡng)… Hãy dành thời gian đọc kỹ những cái này, vì có rất nhiều thứ các bạn có thể tận dụng mà không hề để ý. Ví dụ như ngày xưa mình làm ở trong nhà hưu dưỡng, tính chất công việc phải đứng lâu nên thường xuyên bị đau chân, sau một thời gian mình mới biết là có thể đến khám tại Podiatrist và đặt mua tấm lót/ giày chuyên dụng chống đau mỏi chân và được cover 1 phần. Hoặc những cái có thể các bạn cần nhưng không biết là mình có thể tận dụng như trị liệu ngôn ngữ cho con mình khi chậm nói (trẻ em Việt sinh ra bên này khá nhiều em bị chậm nói), hay châm cứu khi cơ thể đau nhức.v.v…
  • Chi phí y tế khi đi du lịch (bảo hiểm du lịch): trước khi mua bảo hiểm du lịch cá nhân, các bạn có thể xem thử gói bảo hiểm du lịch của công ty để cân nhắc xem có cần thiết mua hay không. Mình ví dụ gói BH du lịch tại nước ngoài của cty anh chồng mình rất “cùi”, chỉ trả 50% với mức BH tối đa là $3000 tính cho tổng 3 năm. Kiểu ấy thì bảo hiểm cho vui chứ được nhiêu đâu :-<
  • Một số chi phí y tế khác mà các bạn có thể sẽ cần nhưng không nhận thức mình đang được bảo hiểm như: Fertility drugs (thuốc điều trị vô sinh/ kích thích sinh sản), thuốc hỗ trợ bỏ thuốc lá (Anti-smoking drugs/cessation program), điều trị mọc tóc (Hair prosthesis), máy trợ thính.v.v..

Tóm lại là bạn nên dành thời gian đọc kỹ từng cái. Vì mỗi lần đổi công ty các bạn chỉ đọc 1 lần lúc mới vào công ty thôi, nên đừng tiếc thời gian ngồi đọc.

2.3. Những mục thông dụng khác bên cạnh bảo hiểm sức khỏe

a. Bảo hiểm nhân thọ, tai nạn, thương tật

Việc nắm rõ những khoản bảo hiểm này rất quan trọng. Khi làm đánh giá tài chính cho khách hàng của mình để mua bảo hiểm nhân thọ cá nhân, lúc nào mình cũng hỏi về các khoản này. Phần lớn các gói bảo hiểm nhân thọ trong công ty sẽ cover 1-2 năm lương của người lao động. Và dĩ nhiên con số này thường không đủ với nhu cầu của một cá nhân hay gia đình. Vì không muốn bài viết này dài quá nên mình sẽ chỉ tóm tắt 1 vài điểm quan trọng các bạn cần biết:

– Bảo hiểm nhân thọ/tai nạn/ thương tật sẽ kết thúc khi các bạn kết thúc hợp đồng với công ty. Vậy nên rủi ro xảy ra nếu các bạn dựa hoàn toàn vào bảo hiểm của công ty mà không mua BH nhân thọ riêng có thể là: khi các bạn nghỉ làm, tình trạng sức khỏe của bạn không đủ điều kiện để mua BH cá nhân (ví dụ như phát hiện bệnh ung thư), như vậy là bạn mất khả năng được bảo hiểm.

– Các công ty bảo hiểm thường luôn cho các bạn option giữ lại gói bảo hiểm nhân thọ/tai nạn/thương tật của công ty bằng cách tự đóng tiếp tiền phí bảo hiểm. Tuy nhiên, các bạn cần nhận thức là khi lựa chọn extend, hoặc là bên công ty sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin insurability (đại loại là hiện trạng sức khỏe) hoặc là sẽ tính mặc định theo giá của smoker (người hút thuốc) nếu không cung cấp chứng minh sức khỏe.

– Cái lợi của BH nhóm là nếu các bạn quyết định mua thêm (cao hơn gói chuẩn của công ty), thì phí sẽ rẻ hơn là mua một gói cá nhân. Thông thường bạn nên chọn option này khi bạn hoặc người trong nhà đang ở tình trạng sức khỏe không thể mua BH cá nhân.

b. Taxable Spending Account (Wellness account)

Đây một loại phúc lợi nhằm hỗ trợ nhân viên chi trả cho các khoản liên quan đến sức khỏe và lối sống. Các khoản chi tiêu từ tài khoản này có thể bao gồm:

  • Thẻ thành viên phòng gym, yoga, hoặc các lớp học thể dục (học nhảy, học bơi…)
  • Thiết bị hỗ trợ sức khỏe (ví dụ: đồng hồ thông minh, dụng cụ tập luyện).
  • Chương trình tư vấn hoặc đào tạo về tài chính, sức khỏe tinh thần.
  • Hoạt động giải trí, phát triển cá nhân (như đăng ký khóa học, hoạt động thể thao)..

Vì đây là taxable account nên khi công ty chi trả cho các bạn khoản này thì nó sẽ được xem như là thu nhập chịu thuế năm đó của bạn. Và các bạn lưu ý Taxable Spending Account này thường sẽ bị reset mỗi năm. Tức là nếu năm nay bạn không xài sẽ không được cộng dồn cho năm sau.

Và nên nhớ là cái này có thể áp dụng cho cả gia đình nhé. Ví dụ như năm nay mình đã claim tiền học nhảy của con bé nhà mình vô mục này.

c. Health Care Spending Account (non-taxable)

Đây là một loại tài khoản chi trả các khoản chi phí chăm sóc sức khỏe mà bảo hiểm tỉnh bang hoặc bảo hiểm công ty không cover. Hay nói cách khác là công ty hỗ trợ cho bạn 1 phần mà bạn phải bỏ tiền túi ra. Ví dụ công ty cho $250/năm chẳng hạn, thì trong ví dụ ở mục 2.1. ở trên, anh bạn này có thể xin công ty trả lại $250 trên tổng $300 mà anh này phải trả. Khác với tài khoản taxable ở trên, tài khoản này thường sẽ được carry forward (cộng dồng) cho năm sau nếu bạn chưa xài. Nhưng bạn cần lưu ý thời gian cho phép được cộng dồn này để sử dụng trước khi hết hạn. Cách tốt nhất vẫn là năm nào xài hết năm đó cho khỏe.

Ban đầu mình tính viết luôn về phúc lợi RRSP matching nữa. Mà mình thấy bài viết dài quá rồi nên thôi mình nghỉ thở ở đây nhe :-< Cái đó cũng đơn giản nên chắc mọi người tự google được.

Chúc các bạn kết thúc năm thật vui! Tranh thủ tận dụng gì được từ bảo hiểm công ty thì tận dụng hết trước khi hết năm nhe! #SharingFromSarah #EmployerBenefits #GroupInsurance #101insurance

Nhận báo giá bảo hiểm tại đây