Bài 1:
Các Hệ Điểm
Canada không có một quy chuẩn điểm số áp dụng chung cả nước. Mỗi sở giáo dục địa phương, mỗi trường, mỗi cấp là sử dụng hệ điểm khác nhau. Nói chung, điểm được quy chuẩn theo các hệ như sau:
– Number grade hay Percentage Grade: Hệ số phần trăm, với 100% là cao nhất, 50% là trên trung bình.
– Letter grade: Hệ chữ từ A (hoặc A+) đến F. A là cao nhất, C là thấp nhất để đậu môn (pass). Nhiều nơi C- thì cũng có thể đậu. Điểm F là thấp nhất (Failed – rớt) .
– Grade Point Value (GPA): Điểm trung bình hệ số 4 với điểm 4.0 là cao nhất. GPA không phải là điểm sử dụng chấm bài. GPA chỉ xuất hiện trên tấm transcript (học bạ) bậc cử nhân của đại học, vào mỗi cuối học kỳ khi computer của trường tự động tính toán, hoán chuyển các điểm số hoặc điểm chữ lại với nhau để tạo GPA. Sinh viên phải tối thiểu 2.0 thì mới được lãnh bằng tốt nghiệp. 3.5 trở lên thì được xếp loại high distinction – xuất sắc. Còn 3.8-4.0 là loại ưu tú (giỏi nhất). Đây là những dạng được xét học bổng danh dự (nếu có) và có thể nộp vào Graduate Studies (hậu cử nhân) hoặc các ngành chuyên môn (Professional School) như nha, y, dược, luật.
– Ký Hiệu: Loại điểm này thường sử dụng bởi một số Sở Giáo Dục dành cho bậc tiểu học. Đây là loại điểm rất khó hiểu, ngôn ngữ cố tình viết mơ hồ. Sở Giáo Dục muốn tạo sự bình đẳng học lực, khuyến khích các em nhỏ và hạn chế việc đánh giá cá nhân. Họ không xài con số hay ngôn từ cụ thể để đo lường học vấn mà chỉ ghi tiến trình của học sinh.
Ví dụ:
E – Emerging: có hiểu biết tí ti, sắp đạt yêu cầu
D – Developing: đang phát triển gần đến mức đạt yêu cầu
P – Proficient: đạt yêu cầu
E – (Extending): vượt trội yêu cầu
….
…
Ngoài các hệ điểm phổ biến trên, một số đại học còn có hệ điểm riêng của họ như hệ số 9 (cao nhất) hay hệ số 10. Hay hệ ký hiệu mà tự họ nghĩ ra, tự áp dụng.
…
…
Bất kỳ trường nào sử dụng hệ điểm gì thì đằng sau lưng tấm phiếu điểm (Report Card) hoặc học bạ (Transcript) sẽ đều có phần chú thích gọi là Legend. Phần này sẽ giải thích rõ ràng ý nghĩa của các con số, hoặc ký hiệu sử dụng. Ngoài ra, mỗi sở giáo dục địa phương, university hay college đều có những bảng quy chuẩn, dịch giá trị tương đồng giữa điểm số, điểm chữ, hoặc những ký hiệu đã xài. Bảng này nếu không trong Legend thì cũng được đăng trên net.
…
…
Sự quan trọng của điểm số
Điểm số là đơn vị đo lường học vấn. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển sinh đại học và cả khi sinh viên ra ngoài đi làm. Đối với những ngành high tech, trả lương cao thì nhà tuyển dụng sẽ đòi tấm transcript của các sinh viên mới ra trường. Khi đi thực tập cũng cần nộp transcript. Nhìn vào đó, xem điểm từng chuyên môn thì biết ngay kiến thức hay dở thế nào. Sinh viên nào GPA 2.0 thì khó lòng được Internship (thực tập). Nhà tuyển dụng không cần coi bằng tốt nghiệp vì nó không có chi tiết cụ thể. Coi transcripts thấy điểm tốt thì cho mới qua cửa, vào phỏng vấn ở các vòng trong.
…
…
Đối với học sinh trường công ở bậc trung học thì điểm số của từng bài tập, bài kiểm được nhà trường nhập trực tiếp lên net. Phụ huynh vô coi điểm là biết con mình học được hay không. Khi một em không nộp bài tập, không làm bài kiểm thì nhà trường báo ngay cho cha mẹ bằng email, Google Classroom, Teams, hay Bright Space. Khi học sinh có nguy cơ rớt môn thì giáo viên bộ môn sẽ gọi phone báo cha mẹ hoặc gởi một thư cảnh báo về nhà. Phụ huynh phải phản ứng kịp thời, liên lạc với trường để tìm giải pháp vớt điểm. Thầy cô sẽ cho làm test lại, hoặc học bù để khỏi bị rớt môn, tránh tốn phí thời gian, công sức cha mẹ. Trường công bên này rất tử tế và tận tâm, không vẽ lắm trò khó khăn như giáo dục Việt Nam.
…
…
Học sinh dường như không bao giờ bị điểm 0, ngoại trừ trường hợp copy bài, xài AI (như ChatGPT), không nộp bài, tự ý bỏ học. Cũng không bị điểm trung bình hạng bét 10-20%. Thầy cô không dùng điểm số để khống chế học sinh như kiểu Việt Nam. Trường không có chủ trương đánh rớt, nên cho điểm rất rộng rãi. Vả lại, học sinh còn được tự chọn môn mà học. Ai không theo nổi khoa học thì học mấy môn dễ ợt mà lại rất thực tế như nấu ăn, dinh dưỡng, thể dục, xã hội, chụp hình, vẽ, sửa xe… Như vậy không thể nào rớt.
…
…
Sự quan trọng của việc theo dõi điểm số
Chỉ cần nhìn vào bảng điểm của học sinh đầu năm lớp 11 thì sẽ biết ngay những thế mạnh yếu, tương lai em đó sẽ vào được những ngành nào tại các đại học nào. Ở bên này, các bậc phụ huynh tận tâm họ theo dõi bảng điểm con cái rất gắt gao từng tuần lễ. Họ đăng nhập vô hệ thống của sở giáo dục thì điểm từng năm học, từng môn học đều sẽ hiện lên rõ ràng.
…
…
Tầm nhìn của một em học sinh giỏi Canada sẽ cao hơn một học sinh Việt Nam cùng tuổi ít nhất 4 năm. Tầm nhìn của cha mẹ nó cũng cao xa hơn phụ huynh Việt Nam nhiều. Chuyện con cái học hành, họ theo dõi hằng ngày và thường xuyên trao đổi thư từ với nhà trường. Hai bên làm việc từ khi em học sinh còn nhỏ cho đến khi chuẩn bị vào đại học. Những em Việt Nam du học thì thiếu hẳn sự hỗ trợ này. Cha mẹ Việt Nam tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, tâm huyết nhưng thiếu hẳn sự kết nối với nhà trường. Vì thế không thể làm tròn trách nhiệm.
…
…
Ai nghĩ rằng bỏ một số tiền thật lớn để mua kiến thức cho con thì lầm chết ! Nhà trường Canada chỉ góp 50% thôi. Số còn lại là gia đình và bản thân học sinh phải cố gắng. Hầu hết học sinh du học Việt Nam đều yếu đuối, nhút nhát, kém hội nhập. Bởi vì chúng đã bị giáo dục Việt Nam dập ra một cái khuôn chung như vậy hơn 10 năm trời. Dù rằng sang một môi trường giáo dục mới, nhưng chúng không dễ gì vượt thoát ra khỏi cái mẫu hình học sinh XHCN được. Chỉ có một vài phần trăm các em xuất sắc nhất, giỏi tiếng Anh mới tự đột phá lột xác, để đuổi kịp dân bản xứ, vào các đại học tốt, học đúng các ngành hữu dụng. Số còn lại thì chỉ đến trường đong ngày đủ tháng mà không có định hướng rõ ràng. Sau đó, cha mẹ từ Việt Nam lại bị cò du học dụ tiếp vào chương trình vớ vẩn của college hay university. Ở Việt Nam cứ tưởng rằng hay nhưng ở Canda, Mỹ, Úc thì không có cửa đi làm. Các em này vẫn xài tiền, sống bên lề xã hội.
…
…
Là cha mẹ, các bạn rất cần dò xét học bạ, coi điểm số của con định kỳ. Nhìn các môn nó ghi danh, dòm kỹ điểm của nó, so với điểm trung bình lớp (course median) thì sẽ biết học lực của đứa nhỏ thế nào, khả năng vô được university hay college. Hãy chú ý nhìn kỹ vào những môn nó học xem có liên quan với ngành tương lai hay không. Nếu đã đến lớp 11 mà vẫn thấy toàn học địa lý, xã hội, chụp hình, hướng nghiệp, vẽ tranh, nấu ăn, thể dục, làm bánh… thì biết luôn rồi đó.
…
…
Phụ huynh Việt Nam phải coi chừng con cái sít sao từ năm lớp 10. Đừng đợi tới năm lớp 12, khi nộp hồ sơ đại học thì mới nhìn. Lúc đó quá trễ, trở tay không kịp. Nuôi một đứa bé du học, mỗi năm tốn trên 30K USD để rồi vào những chương trình bít cửa ở college hay university thì đầu tư làm gì? Mấy chương trình đó, học sinh từ Việt Nam nộp đơn là nhận thôi. Cần chi du học sớm ?
…
…
Nếu có con du học, hãy take action ngay bây giờ. Mở tấm transcript của nó ra đọc thật là kỹ lưỡng. Nhìn tên môn học, nhìn vào điểm số thì sẽ thấy tương lai của nó. Trong bài viết tới tôi sẽ nói về cung cách thầy cô chấm điểm ở bậc tiểu học, trung học, giá trị thật của điểm số, sự quan trọng của lời phê các thầy cô giáo. Cám ơn các bạn đã đọc.
…
…
Bao Nguyen
October 25, 2024