Bảo hiểm nhân thọ có phải là đầu tư?

Hôm trước mình vô tình xem được 1 bài đăng khá thú vị của một bạn đồng nghiệp làm bên ngành bảo hiểm và đầu tư. Đây là một vấn đề khá hay mà mình muốn đào sâu hơn, vì bài viết của bạn khá vắn tắt nên có nhiều thứ chỉ được đề cập tới với bề nổi, có thể khiến người đọc định hướng chưa đúng.

Bảo hiểm nhân thọ có phải là đầu tư?

Để trả lời cho câu hỏi này, mình xin quay lại định nghĩa của đầu tư (investing). Có thể nói ngắn gọn, đầu tư là sử dụng 1 số tiền gốc vào một hoạt động hay dự án nào đó với kỳ vọng tạo ra lợi nhuận tài chính trong tương lai. Như vậy, mua bảo hiểm có phải là đầu tư hay không?

 

Có và không. Câu trả lời này sẽ tùy thuộc vào sản phẩm bạn chọn lựa mua. Nếu chỉ xét về lợi nhuận khi bạn còn sống, thì bảo hiểm dạng có kỳ hạn (term) sẽ không phải là đầu tư, còn bảo hiểm dạng vĩnh viễn (permanent) thì CÓ THỂ là đầu tư. Vì nếu trong trường hợp bạn không mất đi, bạn vẫn có thể sử dụng giá trị tiền mặt của hợp đồng bảo hiểm, có thể “lời” hoặc “lỗ” tùy thuộc vào thời gian bạn sửa dụng phầm tiền này. Tại sao mình dùng từ “có thể”? Vì bảo hiểm dạng permanent cũng sẽ chia ra làm nhiều loại khác nhau mà có lẽ ở bài viết này mình không thể giải thích hết được.

Có nên xem bảo hiểm là một hình thức đầu tư?

Với quan điểm của cá nhân mình, thì KHÔNG. Vì việc xem bảo hiểm là một dạng đầu tư sẽ khiến suy nghĩ của bạn bị lệch lạc. Mình cũng vô cùng hạn chế tối đa sử dụng từ “đầu tư” khi tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Vì nếu xem bảo hiểm nhân thọ như một hình thức đầu tư, bạn sẽ tự lừa dối chính mình và sẽ có thể phải thất vọng trong nhiều trường hợp. Vì sao?

1. Khi xét tới lợi nhuận của đầu tư, các bạn cần phải xét tới yếu tố lạm phát.

Nếu bạn từng được tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, có lẽ bạn đã từng thấy những con số khổng lồ về giá trị tiền mặt của hợp đồng bảo hiểm sau 50-60 năm, có phải con số này làm bạn choáng ngợp lắm không? Giả sử với một hợp đồng bảo hiểm Whole Life đóng 20 năm, mỗi tháng đóng $100, ồ, sau 50 năm mình có $45,000, trong khi tổng tiền đóng 20 năm chỉ khoảng $26,000. Lời? Không! ĐÓ LÀ LỖ. Vì giả sử với tỷ lệ lạm phát 2%, thì nếu bạn chỉ gửi tiền trong ngân hàng 20 năm, và để tiếp số tiền đó trong 30 năm tiếp theo, với lãi suất 2%/năm để chống lạm phát thôi, thì sau 50 năm bạn đã có $53,563.77 rồi. Đó là chưa kể nếu bạn dùng số tiền này để đầu tư vào các kênh khác với lãi suất cao hơn thì chênh lệch sẽ còn nhiều nữa. Vậy nên các bạn hãy xem bảo hiểm nhân thọ đơn giản là BẢO HIỂM, bảo vệ tài chính cho bạn trong trường hợp rủi ro, để bạn không bị đặt kỳ vọng quá nhiều và tự bản thân bị “đánh tráo khái niệm”. Cao lắm, bạn hãy chỉ nên xem bảo hiểm nhân thọ như là một khoản TIẾT KIỆM thay vì là “đầu tư”.

 

2. Giả định xem bảo hiểm nhân thọ là đầu tư, thì liệu đây có phải là một khoản đầu tư tốt?

Thứ nhất, tại sao có thể xem bảo hiểm như là 1 dạng đầu tư? Như đã nhắc ở trên, việc bảo hiểm nhân thọ có được xem là đầu tư hay không, cũng sẽ tùy thuộc vào loại sản phẩm bảo hiểm. Trên thị trường có loại sản phẩm “Participating Whole Life”, có thể xem như là một dạng đầu tư, vì mỗi năm bên công ty bảo hiểm sẽ trả cho chủ hợp đồng một phần lãi suất gọi là dividend. Tỷ lệ phần trăm của dividend sẽ khác nhau tùy thuộc vào kết quả đầu tư của công ty bảo hiểm, mỗi công ty mỗi khác, mỗi năm mỗi khác. Hiện tại, tỷ lệ dividend giao động tầm khoảng 4-6%/năm. Tuy nhiên, dividend này sẽ trả bằng tiền mặt hay sử dụng cho các mục đích khác của hợp đồng bảo hiểm sẽ ảnh hưởng tới phí và giá trị đền bù (death benefit) khác nhau.Thứ hai, bảo hiểm có phải là một khoản đầu tư tốt? Có và không. Bảo hiểm có thể xem là khoản đầu tư tốt, nếu bạn đánh giá đúng tình hình tài chính hiện tại của bạn và gia đình, cũng như hiểu được năng lực đầu tư của bạn. Ai cũng nên có bảo hiểm nhân thọ! Mình khẳng định điều này, vì đây là vấn đề quản trị rủi ro. Tuy nhiên nên có loại nào sẽ khác nhau ở mỗi người cả về tài chính lẫn năng lực đầu tư. Việc xem xét có nên tận dụng bảo hiểm nhân thọ như một khoản đầu tư hay không, sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi, một trong số đó có thể kể đến:

– Thu nhập của bạn có đủ để bạn “đầu tư” vào bảo hiểm hay không? Vì nếu chọn bảo hiểm vĩnh viễn có tính chất đầu tư, thì phí trả hàng tháng sẽ khá cao, và cam kết tài chính này thông thường sẽ kéo dài 20-30 năm.

– Bạn đã tối đa được nguồn tiền nhàn rỗi của mình vào những hình thức đầu tư khác có lợi về mặt thuế hay chưa? Ví dụ: RRSP, RESP, TFSA..v.v…

– Kiến thức đầu tư của bạn ở mức độ nào?

Có thể nói, nếu bạn không có nhiều kiến thức về mặt đầu tư, thì bảo hiểm có thể là 1 lựa chọn tốt. Vì đơn giản, đường nào thì bạn cũng cần 1 khoản bảo hiểm, nếu so với lựa chọn đầu tư ở các quỹ mutual fund ở các ngân hàng lãi suất tầm 4-5%, có rủi ro bị lỗ, thì có lẽ chẳng thà bạn mua bảo hiểm, vừa được bảo hiểm cho rủi ro, vừa có lãi suất cũng tầm ấy.Còn nếu bạn (như mình), có hiểu biết nhiều về tài chính và đầu tư, sẽ cần cân nhắc những lựa chọn khác. Ví dụ, thay vì bỏ ra mỗi tháng $100 vào bảo hiểm vĩnh viễn, thì mình bỏ vào quỹ ETF của S&P hay Nasdaq, để lâu dài 30-50 năm thì trung bình lợi nhuận cũng được 10%/năm. Rồi mình chỉ chi khoảng $20/tháng cho bảo hiểm kỳ hạn để có được mức bảo hiểm tối đa. Vậy là mình vừa có bảo hiểm, vừa có tiền phát sinh từ đầu tư lúc còn sống? Tuy nhiên, ví dụ này của mình chỉ ở mức đơn giản hóa. Còn để bàn sâu hơn thì phải cân nhắc rất nhiều về các vấn đề khác liên quan như: thuế, trợ cấp, kế hoạch mua nhà, kế hoạch quản trị rủi ro tài chính, các kế hoạch tài chính trung & dài hạn khác….

Đầu tư $100/tháng với lãi suất 10% trong 20 năm?

 

Đây nhé, làm thử bài toán đầu tư $100/tháng, lợi nhuận trung bình 10% trong 20 năm. Giàu chưa! 😃 Thực ra sức mạnh của việc “đầu tư” vào bảo hiểm chỉ đơn giản là CAM KẾT tiết kiệm một khoản cố định trong một thời gian dài mà thôi. Đó là sức mạnh của compound interest (lãi suất kép), nên không cần thiết phải đưa bảo hiểm nhân thọ lên một tầm cao mới là “đầu tư”.

Vậy thì tóm lại là tôi có nên mua bảo hiểm hay không?

E hèm. Nếu hỏi câu này với mình thì chẳng khác nào hỏi thợ cắt tóc là tôi có nên cắt tóc hay không. 😃 Dĩ nhiên, về mặt quản trị rủi ro thì ai cũng cần bảo hiểm. Bản chất của bảo hiểm chỉ đơn giản là chia đều rủi ro cho một nhóm người. Thường mình hay hỏi khách 1 câu rất đơn giản khi khách cân nhắc có mua bảo hiểm hay không: “Giả sử mỗi ngày bạn bỏ ra $2 để mua sự an toàn cho gia đình bạn, để biết chắc rằng nếu bạn mất đi, vợ con bạn không phải bán nhà bán cửa, con bạn không phải lo lắng chuyện mai mốt học đại học mình có tiền học hay không. Thì bạn có chấp nhận hay không?” Một lần nữa, mình xin kết lại bài viết này: Bản chất của bảo hiểm vẫn là bảo hiểm. Đừng cố đánh tráo khái niệm.

Sarah Do,

Licensed Travel, Health & Life Insurance Advisor.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *