Nghề Life Insurance Advisor có phù hợp với bạn?

Table of Contents

Dạo gần đây có một vài người bạn hỏi thăm mình làm thế nào để trở thành Life Insurance Advisor tại Canada. Ngoài những tiêu chuẩn theo quy định của nhà làm luật, thì cũng có một vài tính cách khác mà mình nghĩ nên được mổ xẻ chi tiết để những bạn cần tìm hiểu sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn.

1. Làm một bài trắc nghiệm tính cách

Trước khi lựa chọn bất kỳ ngành nghề nào, các bạn cũng nên tìm hiểu xem những tính cách thế nào phù hợp với công việc đó. Thế mạnh của bạn là gì? Những thế mạnh hiện tại của bạn có phải là 1 lợi thế trong ngành hay không? Hay ngược lại, nó lại chính là điểm yếu trong ngành. Ví dụ, nếu thế mạnh của bạn là viết lách, liệu bạn có tận dụng được khi bạn chọn trở thành 1 đầu bếp. Có thể, nhưng có vẻ khiên cưỡng. Việc hiểu về chính bản thân, hiểu về tính chất ngành sẽ giúp bạn không bị phí hoài tài năng của chính bạn. Và mình tin rằng ai cũng có 1 tài năng, có khi “làm biếng” cũng là 1 tài năng 🙂 Chính vì tính làm biếng của con người mà người ta mới phát minh ra máy tính. Chẳng phải vậy sao? Vậy nên hãy tìm kiếm những công cụ online để có thể làm trắc nghiệm tính cách của mình. Vậy những tính cách như thế nào sẽ phù hợp với ngành này?

2. Những tính cách cần có của một Insurance Advisor

– Kiên nhẫn

Vì sao tính kiên nhẫn lại cực kỳ quan trọng trong ngành nghề này? Khác với các sản phẩm hữu hình, hay các dịch vụ dễ hiểu, bảo hiểm mang những tính chất rất đặc thù. Việc đưa ra quyết định của khách hàng cần khá nhiều thời gian. Thứ nhất, thông thường nhu cầu về bảo hiểm hiếm khi tự phát sinh, một người thông thường đưa ra quyết định mua một sản phẩm bảo hiểm là do một cú hích. Cú hích này có thể là từ một tư vấn viên, một người bạn, một cuốn sách, hoặc đơn giản là một sự kiện ngoài ý muốn nào đó chẳng hạn như tai nạn bất ngờ hay người nhà mất sớm. Vì vậy, để gợi lại nhu cầu “ẩn hơi sâu” này của một ai đó, bạn cần một sự kiên nhẫn. Những kết quả những gì bạn làm có thể sẽ không đến trong một sớm một chiều. Và đôi lúc là chẳng bao giờ đến ở 1 số trường hợp 🙂

– Tính kỷ luật & tự chủ

Đây là tính cách cần thiết của hầu hết các công việc nào mang tính chất self-employed. Không giống như đi làm công ăn lương là có sếp dí tận mông, làm công việc này hầu như bạn phải tự lên kế hoạch, deadline cho mình, tự đến ngày đến tháng nhấc mông lên đi gặp khách, điền giấy tờ, nhắc khách thay đổi thông tin này nọ kia khi khách đổi chỗ ở hay mới chào đón thành viên mới. Nếu bạn là kiểu người chờ đợi người khác nhắc việc mới làm thì bạn nên tìm kiếm một ngành nghề khác, nghề này không phù hợp với bạn.

– Khả năng giao tiếp

Trước khi vào ngành này mình nghĩ rằng những người tư vấn BH là những người giỏi nói. Và mình cứ nghĩ mình không phù hợp. Sự thật rằng mặc dù mình giao tiếp không tệ, nhưng mình không phải kiểu người hoạt ngôn. Cũng không phải người dễ dàng bắt chuyện với người lạ ngoài đường. Nhưng sau khi làm trong ngành một thời gian, mình nhận ra có một cách giao tiếp khác quan trọng hơn trong ngành này: đó là GIỎI NGHE. Nếu bạn để ý 1 chút sẽ thấy rằng những người xung quanh chúng ta đa phần sẽ nói nhiều hơn nghe. Và thiên hướng tâm lý của con người thông thường là thích được người khác lắng nghe hơn là lắng nghe người khác. Và mình cảm thấy may mắn vì mình là người vừa thích nói nhưng cũng thích nghe. Hay nói cách mà ông chồng mình hay chê mình đó là “thích lo chuyện bao đồng”. Ừ. Hơi buồn cười, nhưng mà nếu bạn là người có tính “bao đồng” thì có thể nghề này sẽ thích hợp với bạn đấy!

– Cái tâm – “Tiền là tất cả, nhưng không nằm trên tất cả”

À, câu nói trên tự mình vừa nghĩ ra thôi, chứ ko trích dẫn của người nổi tiếng nào đâu :)) Dĩ nhiên làm nghề nào cũng cần có cái tâm, trừ mấy nghề phạm pháp. Tuy nhiên, mình nghĩ nghề tư vấn bảo hiểm này cần rất nhiều đạo đức nghề nghiệp. Vì sao mình lại nhấn mạnh rằng “Tiền là tất cả, nhưng không nằm trên tất cả”? Với tính chất của bảo hiểm nhân thọ, khách hàng phải đóng tiền liên tục suốt 20-80 năm, và đó là số tiền dành dụm cả một cuộc đời. Hơn cả, số tiền dành dụm đó lại trao cho những người họ yêu thương chứ chưa hẳn họ sẽ dùng cho chính mình. Vậy nên, số tiền đó là tất cả cuộc đời của họ. Còn với người làm nghề, thì đừng xem số tiền bạn thu lợi được từ một hợp đồng bảo hiểm là ưu tiên trước nhất của bạn. Yes, ai cũng đi làm vì tiền. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến tiền, bạn sẽ không đi được đường dài với nghề này. Vì đến 1 giai đoạn nào đó, khi bạn bị “say no” quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy như mình đang làm việc không công, và tự hỏi “Mình đang làm cái quái gì thế này?” 🙂

Có người lựa chọn 1 sự nghiệp nào đó vì sở thích, nhưng với nghề này, đó lại nên là một “lý tưởng”. Trước nhất bạn phải hiểu được bản chất cốt lõi của “bảo hiểm” suy cho cùng vẫn là dự trù kế hoạch tài chính trong trường hợp rủi ro xảy ra. Và rằng ai cũng nên có một kế hoạch như thế, và việc của bạn – nói 1 cách đơn giản là nhắc nhở cho mọi người biết rằng họ nên có một kế hoạch tài chính phòng ngừa rủi ro xấu nhất. Vậy thôi. Hiểu được cốt lõi của vấn đề, tin vào điều mình làm là đúng, bất chấp mọi thị phi (chắc chắn sẽ có lúc gặp phải), thì bạn mới đi lâu dài trên con đường này được.

3. Học và lấy license LLQP

Cuối cùng, học và thi license! Xin chia buồn 1 tẹo cho những bạn biếng học. Tại Canada này hầu như làm nghề gì cũng cần có bằng này nọ kia. Nấu ăn hay phục vụ bia cũng cần chứng chỉ, huống chi là cái nghề tư vấn trên số tiền dành dụm cả đời của một con người 🙂 Để trở thành licensed insurance advisor, bạn phải học một khóa học và thi chứng chỉ gọi là Life License Qualification Program (LLQP). Một khóa học LLQP trung bình khoảng 100 giờ học. Để nói cho dễ hiểu hơn, thì khóa học này sẽ có 4 chủ đề (modules) khác nhau. Tài liệu cho mỗi chủ đề sẽ là 1 quyển sách tầm 200 trang. Vậy nên để hoàn thành khóa học này, bạn sẽ mất tầm 2 tháng tới 1 năm tùy vào trình độ và tần suất học hành của bạn. Phí học ở mỗi provider sẽ khác nhau, giao động tầm khoảng $350-400/khóa. Phí thi (ở Ontario) khoảng $260/lần thi. Thay vì tự học thi & bỏ chi phí ra, bạn có thể liên hệ trực tiếp công ty mà bạn mong muốn làm, có thể họ sẽ tài trợ phần học thi này. Ví dụ như mình làm agent cho Desjardins, thì sau khi mình tự bỏ tiền học & thi xong, ký hợp đồng với công ty, họ gửi lại cho mình tiền học & thi như là tài trợ cho mình phần này. Sau LLQP, bạn có thể lựa chọn học cao hơn để làm các công việc chuyên môn liên quan, ví dụ CPF, CLU… Những cái này mình sẽ nói cụ thể hơn ở 1 bài viết khác.

4. Cái tầm – “Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá hoại”

Ban đầu khi viết xong bài này mình vẫn chưa post, vì mình nghĩ đây là 1 bài viết rất quan trọng cần được chỉn chu. Và mục 4 này đã được thêm vào sau cùng sau nhiều ngày suy nghĩ. Tuy làm trong ngành chưa lâu, nhưng mình đã gặp 1 vài “đồng nghiệp” rất nhiệt tình và có tâm nhưng không có tầm. Có 1 điều mình luôn khắc cốt ghi tâm từ người sếp mình rất nể phục: “Don’t play around with other people’s money.” Khi làm trong ngành này, bạn đang là nơi mà một ai đó tin tưởng gửi khoản tiền dành dụm cả đời. Vậy nên hãy dành thời gian để học và thật sự hiểu rõ các sản phẩm mà bạn đang tư vấn cho khách hàng. Hãy tư vấn đúng và phù hợp!

Cách đây chừng chục năm, trong giới bảo hiểm rất thịnh hành sản phẩm Universal Life Insurance. Đây là sản phẩm rất đặc thù mà không phải khách hàng nào cũng phù hợp. Tuy nhiên, không rõ vì những agent tư vấn sản phẩm đó thiếu kiến thức hay vì cố tình mà rất nhiều khách hàng đã chọn sản phẩm này và không biết được hệ lụy về sau. Thành ra, những khách hàng này sau khi vỡ lẽ sau rất nhiều năm đóng tiền thì trở nên thù ghét cả ngành bảo hiểm. Chính vì những lý do như vậy mà mình càng muốn viết nhiều hơn về tất cả những mặt tốt và mặt trái của ngành này để tất cả mọi người, dù không chọn mua bảo hiểm, cũng vẫn có được cái nhìn khách quan.

Mình nghĩ chắc như vầy cũng là khá đầy đủ những thứ căn bản. Để mà chia sẻ nhiều hơn nữa chắc hẹn cafe nha! Chứ mình không có ý định viết sách đâu 🤣 Quá dài rồi!

Chúc các đồng nghiệp tương lai sẽ thành công!

Sarah Do

Licenced Insurance Advisor.

Nhận báo giá bảo hiểm tại đây