Tài khoản tiết kiệm giáo dục (RESP) – Phần 3: Cơ chế thanh toán phần tiền AIP

Table of Contents

Tiếp theo bài viết phần trước về RESP, phần này mình sẽ viết tiếp về phần tiền AIP – Accumulated income payment trong tài khoản RESP và những lựa chọn đầu tư cho tài khoản RESP này.

Các bạn xem lại các phần cũ ở đây:

Phần 1: RESP là gì?

Phần 2: Cách thức hoạt động của RESP

Để nhắc lại phần cũ chút xíu, mình cùng nhìn lại cơ cấu 1 tài khoản RESP nhé:

4.3. Thanh toán phần thu nhập tích lũy – Accumulated income payment (AIPs)

Phần AIP này có thể hiểu là phần còn dư lại sau khi đã trừ các khoản sau:

– phần tiền gốc

– tiền EAP đã được chi ra

– tiền hoàn trả phần CESG/CLB/ trợ cấp tỉnh bang lại cho chính phủ

– tiền đã chuyển qua một tài khoản RESP khác

Phần AIP này thường là được trả về cho subscriber. Subscriber phải là người cư trú (resident) tại Canada mới được nhận phần AIP này.

👉Các trường hợp nhận AIP:

– RESP đã được mở trên 9 năm và tất cả người thụ hưởng trong tài khoản này đã ít nhất 21 tuổi và không thỏa điều kiện nhận EAP.

– RESP đã được mở 35 năm, trừ những hợp đồng mở RESP đặc biệt có quy định chi trả phần AIP vào năm thứ 40.

– Tất cả người thụ hưởng trong tài khoản RESP đã qua đời.

👉 Phần AIP được tính thuế thế nào?

AIP bị đánh 2 phần thuế:

– Thuế thông thường (regular): tính theo mức thuế thu nhập của cá nhân subscriber của năm nhận phần AIP này,

– Thuế bổ sung (additional): 20% trên tổng phần AIP (12% tại Quebec).

Xin nhắc lại là phần AIP này có thể hình dung là tiền lời do lãi suất phát sinh từ phần tiền gốc (bao gồm tiền đóng vào và tiền trợ cấp được nhận từ nhà nước).

👉 Làm cách nào để giảm tiền AIP bị tính thuế này?

Vì phần tiền AIP bị đánh thuế cao như vậy, để tránh được việc trả thuế cao nếu nhận AIP sớm trong thời gian thu nhập của subscriber đang rất cao, thì subscriber có thể chuyển số tiền này vào tài khoản hưu trí (RRSP, PRPP hoặc SPP) của mình hoặc của vợ/chồng mình. Việc này không chỉ giúp subscriber trì hoãn việc đóng thuế trên AIP mà còn giúp subscriber giảm được income đóng thuế của năm đó. Mình sẽ viết 1 bài khác về RRSP để giải thích sau nhé.

👉 Tại sao không tận dụng vay OSAP thay vì phải tự bỏ tiền tiết kiệm vào RESP?

Bạn có phải là người thích đi vay nợ? OSAP là một dạng vay nợ, nên khi vay OSAP thì sớm muộn gì cũng phải trả, mặc dù trong OSAP cũng sẽ có 1 phần trợ cấp (grant) của chính phủ, nhưng việc phụ thuộc hoàn toàn vào OSAP không phải là 1 ý tưởng hay nếu bạn không đủ kiến thức để tối ưu hóa được dòng tiền (mà đáng lẽ bạn bỏ vào RESP) ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, cần lưu ý là RESP không ảnh hưởng tới việc vay OSAP nếu bạn có một kế hoạch hợp lý. Cơ bản thì bạn vẫn có thể tận dụng được cả 2 nguồn tài chính này.

5. Chuyển tiền từ tài khoản RESP này qua tài khoản RESP khác

Nếu 2 tài khoản RESP cùng tên một người thụ hưởng hoặc 2 người thụ hưởng ở 2 tài khoản là anh chị em, thì việc chuyển tiền này không ảnh hưởng gì đến thuế. Tuy nhiên, nếu 2 tài khoản là 2 tên người thụ hưởng khác nhau thì sẽ có ảnh hưởng về vấn đề thuế cũng như phần tiền trợ cấp đã nhận của nhà nước trước đó có thể sẽ phải trả lại. Phần tính này có độ phức tạp nên mình không nêu chi tiết ở đây.

6. Nếu không sử dụng RESP, thì có những lựa chọn nào?

Không phải trẻ nào cũng lựa chọn học đại học, cũng như trong 18 năm có thể có rất nhiều tình huống có thể xảy ra cho trẻ. Trong trường hợp không cần dung tới RESP, bạn có thể chọn 1 trong 4 lựa chọn sau:

– Vẫn giữ nguyên tài khoản (cho tới khi trẻ 35 tuổi). Trong tương lai có thể sử dụng nếu trẻ thay đổi ý định, quyết định quay lại trường học,

– Đổi tên người thụ hưởng. Nếu bạn có nhiều con, thì có thể cân nhắc đến lựa chọn này.

– Chuyển tiền vào một tài khoản tiết kiệm có đăng ký (resgistered savings plans) khác, ví dụ như tài khoản RRSP, để tối đa hóa lợi ích về thuế.

– Đóng tài khỏan RESP. Đây là phương án cuối cùng.

Với lựa chọn 2 và lựa chọn 3, phần tiền trợ cấp CESG, CLB, tiền từ tỉnh bảng sẽ phải được hoàn trả lại cho nhà nước. Còn phần lãi suất phát sinh từ đầu tư sẽ được tính thuế như mục 4.3 mình đã đề cập ở trên.

Khi quyết định xử lý phần RESP này như thế nào, bạn nên tìm kiếm một người tư vấn tài chính – Financial Planner để có được giải pháp hợp lý nhất và lợi ích nhất về mặt tài chính nhé.

Ở phần sau- phần cuối cùng, mình sẽ viết tiếp về các hình thức đầu tư RESP nhé.

Sarah Do,

 

Life, Health & Travel Insurance Advisor.

Disclaimer: Bài viết chỉ nhằm cung cấp thông tin cho những mục đích cơ bản, và nêu lên một vài quan điểm cá nhân. Đây không phải là lời khuyên về tài chính, đầu tư, thuế, kế toán hay bất kỳ quy định pháp luật nào. Cá nhân có nhu cầu tư vấn về các vấn đề trên vui lòng tìm kiếm chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp.

Nhận báo giá bảo hiểm tại đây